Với mục tiêu nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, trong những năm qua tỉnh Phú Thọ đã thực hiện các giải pháp để thay đổi tập quán canh tác của người dân, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của người dân và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩn nông nghiệp an toàn.
Hiện nay, toàn tỉnh có 430 vùng sản xuất tập trung với quy mô 11.545ha; nhân rộng mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 3.400ha/năm. Diện tích bưởi hiện có 4.700ha, trong đó triển khai thực hiện quy trình sản xuất tốt đối với diện tích bưởi thời kỳ kinh doanh đạt 1.460ha. Đối với cây chè, diện tích trên 16.100ha, trong đó diện tích chè theo quy trình an toàn đạt trên 3.300ha; diện tích chè áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp đạt 9.400ha. Chăn nuôi của tỉnh đang phát triển theo xu hướng chăn nuôi tập trung công nghiệp, bán công nghiệp, áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng về diện tích và sản lượng. Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh; đảm bảo cho điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm. Toàn tỉnh bước đầu hình thành và phát triển được 22 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên rau, quả, chè, thịt; có 33 hợp tác xã (HTX), 115 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt quy mô lớn đã liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi với 42 doanh nghiệp; 9 cơ sở, doanh nghiệp có các sản phẩm vào hệ thống siêu thị hiện đại.
Tại huyện Lâm Thao, sản xuất nông nghiệp đang dần hình thành theo hướng hàng hóa với việc xây dựng một số vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng rau an toàn, chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết.
Ông Lê Tùng Lâm - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện xác định trọng tâm là công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP trong sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản được đẩy mạnh. Đồng thời khuyến khích các tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi nông sản an toàn. Qua đó, giúp các tổ chức, cá nhân ý thức được vai trò, trách nhiệm đối với sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra các sản phẩm thực sự an toàn trước khi cung ứng tới tay người tiêu dùng.
Tại huyện Cẩm Khê, các hình thức sản xuất mới được áp dụng, triển khai cho hiệu quả rõ nét, giá trị sản xuất liên tục tăng qua các năm. Trong đó, sản lượng cây lương thực có hạt đạt khoảng trên 49.000 tấn/năm; từng bước quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn. Ứng dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, đối với cây lúa đã thực hiện cơ giới hóa trên 75% trong khâu làm đất; khoảng 35% trong khâu thu hoạch. Đi đôi với phát triển cây lương thực, huyện đã xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nấm, trồng rau an toàn, phát triển cây bưởi Diễn, thâm canh rừng trồng.
Bà Trần Thị Thu Hưởng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Khê cho biết: Các hoạt động khuyến nông cùng với chính sách của tỉnh, của huyện trong hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp đang được triển khai trên địa bàn huyện. Từ đó góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức cho các hộ dân trong thay đổi tư duy sản xuất từ hình thức nhỏ lẻ, truyền thống sang quy mô HTX, trang trại, gia trại chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, đảm bảo ATTP trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn do sản xuất nông nghiệp đa dạng về chủng loại sản phẩm, quy mô nên khó khăn cho công tác quản lý. Sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi còn phổ biến; người sản xuất nói chung vẫn còn hạn chế trong việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất cũng như kiến thức trong bảo đảm ATTP.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh: Thời gian qua, Chi cục đã tăng cường tuyên truyền về công tác quản lý chất lượng, đảm bảo vệ sinh ATTP cho các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất như nông dân, chủ trang trại, cơ sở chế biến, cán bộ quản lý. Vận động các tổ chức, cá nhân áp dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; thường xuyên thanh tra, lấy mẫu giám sát, cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP nông, lâm, thủy sản. Đồng thời triển khai hoạt động hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý sản xuất; hỗ trợ túi, hộp nhãn bao bì sản phẩm và tem QR truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chè, rau, chuối, bưởi, thịt và sản phẩm từ thịt, cá lăng; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận, sử dụng công nghệ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để duy trì và phát triển chuỗi.
Thời gian tới, để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, các ngành chức năng cần tích cực phối hợp với các địa phương để quản lý thực phẩm từ gốc và huy động cộng đồng cùng tham gia quản lý, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất đạt các tiêu chuẩn tiên tiến. Thay đổi phương thức sản xuất thông qua áp dụng các mô hình sản xuất đảm bảo an toàn, từ khâu chọn giống, áp dụng quy trình sản xuất đến thu hoạch. Các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác cần phát huy vai trò trong việc liên kết với nông dân, tích tụ ruộng đất và chính người nông dân sẽ trực tiếp tham gia sản xuất để tạo ra chuỗi sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng cung ứng cho thị trường.
Liên Linh